Đối với các du học sinh, việc có Visa là kết thúc cho quá trình chuẩn bị, nhưng sẽ là sự bắt đầu cho những cơ hội và thách thức nơi xứ người. Tới một đất nước hoàn toàn mới, học tập tại một môi trường hoàn toàn mới, các bạn học sinh sẽ cần rất nhiều nỗ lực để hoàn thành ước mơ của mình. Sau đây, New Ocean sẽ cung cấp một số thông tin thực tế giúp các em làm quen với cuộc sống mới một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.
1/ Khi xuống sân bay nước ngoài
Khi xuống sân bay tại nước sở tại, các bạn học sinh nên chú ý một số những điểm sau:
a/ Thủ tục check-out
- Ra khỏi máy bay, các bạn học sinh nên chuẩn bị ngay hộ chiếu, giấy tờ liên quan tới việc học tập tại nước ngoài (Offer letter, Invoice,…) và tờ khai hải quan (đã được tiếp viên hàng không phát trên máy bay hoặc được cung cấp ngay tại sân bay) để xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh tại quầy Công an Cửa khẩu (Immigration).
- Sau thủ tục nhập cảnh là khâu nhận hành lý. Du học sinh cần lưu ý các màn hình thông báo (monitor) để xem số hiệu chuyến bay và số hiệu nơi lấy hành lý (belt). Trong trường hợp không biết vị trí của belt hoặc không thấy hành lý của mình tại belt, các bạn học sinh nên hỏi ngay nhân viên sân bay có mặt gần nhất để được giúp đỡ. Các bạn cũng nên lưu ý để lấy đúng hành lý của mình bằng cách so số hiệu dán trên hành lý với thẻ gửi hành lý (luggage ticket).
- Hải quan sẽ kiểm tra xem hành lý của bạn có mặt hàng gì bị cấm hay không, và một số nước sẽ kiểm dịch hành lý cẩn thận để đảm bảo bạn không mang thức ăn, đồ uống, thuốc, hay vật dụng gì có thể không an toàn về vệ sinh dịch tễ. Những hành lý không được mang vào sẽ bị tịch thu ngay tại cổng kiểm tra hải quan.
- Khi đến cửa nhà ga (Arrival Terminal), các bạn cần tìm người tới đón mình tại sân bay (người thân hoặc đại diện trường). Trong trường hợp trường ra đón, đại diện trường thường sẽ cầm tấm bảng lớn ghi tên học sinh nên các bạn có thể tìm dễ dàng.
- Tại sân bay thường có các quầy đổi tiền rất thuận tiện; tuy nhiên các bạn học sinh vẫn nên đổi một chút tiền từ Việt Nam mang theo, phòng những trường hợp cần dùng ngay.
- Mỗi sân bay quốc tế đều có quầy thông tin (Information). Nếu cần bất cứ thông tin hay gặp bất cứ khó khăn nào, các bạn có thể tới quầy để được trợ giúp.
b/ Liên lạc với người thân
- Liên lạc với trường học và nơi lưu trú tại nước ngoài
Trong trường hợp du học sinh không sử dụng dịch vụ đưa đón tại sân bay của trường (airport pick-up), sau khi xuống máy bay, các bạn nên liên lạc với trường/ người đại diện của gia đình bản xứ, hay người thân mà mình sẽ ở cùng để thông báo về sự hiện diện của mình. Do đó, các bạn nên tìm hiểu trước cách gọi điện thoại ở nước ngoài cũng như giữ số điện thoại liên hệ của những người cần liên lạc bên mình.
Tại các sân bay quốc tế cũng sẽ có những quầy bán sim, card,… để sinh viên quốc tế và khách du lịch có thể mua sử dụng ngay. Nhân viên tại các quầy này cũng sẽ giúp các bạn cài đặt dịch vụ khách hàng.
- Liên lạc với gia đình
Bên cạnh việc liên hệ với đơn vị đưa đón sân bay, nhà trường hay nơi lưu trú, các bạn học sinh cũng nên liên lạc về gia đình tại Việt Nam. Sau một chuyến bay dài, chắc chắn gia đình và người thân ở nhà sẽ rất lo lắng và mong ngóng thông tin của bạn tại nước ngoài. Việc liên lạc về gia đình sẽ giúp các bạn vững tâm hơn cũng như làm yên lòng người thân ở nhà.
c/ Lên đường về nơi ở mới
Trong trường hợp không có người đưa dón, các bạn học sinh sẽ tự đi về nơi ở của mình tại nước sở tại. Thông thường, các bạn sẽ có 2 con đường thuận tiện nhất là tàu điện ngầm hoặc taxi.
Đối với các nước phát triển, gần như sân bay nào cũng có trạm tàu điện ngầm ngay phía dưới và có bảng chỉ dẫn tới ga tàu. Các bạn học sinh theo lối chỉ dẫn hoặc hỏi quầy thông tin (Information) là có thể tìm ra dễ dàng. Tại ga tàu sẽ có bản đồ các tuyến tàu điện khá dễ hiểu để các bạn có thể tìm thấy ga mà mình cần tới. Tùy từng nước mà các bạn sẽ phải mua thẻ hoặc vé và các bạn có thể mua tại quầy bán vé hoặc máy bán thẻ tự động. Nếu các bạn không tìm thấy bản đồ hay trạm muốn đến, các bạn có thể hỏi trực tiếp tại quầy bán vé. Tuy nhiên, các bạn học sinh cũng nên tìm hiểu trước từ Việt Nam cách di chuyển bằng tàu từ sân bay để không gặp khó khăn hay trục trặc gì khác; đồng thời cũng nên để ý hành lý của mình trong thời gian di chuyển, tránh việc thất lạc hoặc mất hành lý.
Bên cạnh đó, nếu trong trường hợp hành lý mang theo quá nhiều, các bạn học sinh nên gọi taxi để đến nơi ở của mình một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn. Phía ngoài sân bay thường sẽ có bến đỗ của taxi, các bạn hoàn toàn có thể hỏi thông tin cụ thể hơn từ quầy thông tin sân bay.
2/ Làm thủ tục đăng ký nhập học
Các bạn học sinh cầng mang theo sẵn những hồ sơ về học tập và thư mời nhập học của trường để làm thủ tục đăng ký nhập học. Khi làm thủ tục, các bạn học sinh cũng cần thông báo cho nhà trường biết địa chỉ nơi ở của mình tại nước sở tại. Trường và Sở di trú sẽ liên lạc hay gửi thông tin cho bạn qua địa chỉ này. Do đó, các bạn nên nhớ kĩ địa chỉ nơi ở của mình trước khi đi làm thủ tục.
Các trường thông thường sẽ có một vài buổi hay một tuần lễ định hướng (Orientation Day) trước khi nhập học, nhằm trao đổi những thông tin ban đầu cho học sinh cũng như tạo cơ hội cho các bạn tham quan, kết bạn mới,…Các bạn học sinh nên cố gắng sắp xếp thời gian tới trường dự buổi lễ này để có được những thông tin hữu ích cho mình.
Trên đây là những điều mà New Ocean muốn lưu ý các bạn học sinh khi tới sân bay quốc tế. Cảm xúc khi bước xuống sân bay của các bạn du học sinh thật sự sẽ rất khó diễn tả một cách chính xác; sẽ có chút hồi hộp, háo hức, có chút lạ lẫm, hoang mang. Trước một trải nghiệm, một cuộc sống hoàn toàn mới, chúc tất cả các bạn sẽ có một sự chuẩn bị tốt cho quãng đường sắp tới của mình.