Chuẩn bị hành lý du học Hà Lan chắc hẳn các bạn đều có cảm giác hồi hộp xen lẫn lo lắng; cho dù đã có sự hướng dẫn hay tìm hiểu nhất định tại Việt Nam, tuy nhiên trong ngữ cảnh thực tế vẫn có những khác biệt có thể gây bỡ ngỡ không nhỏ.
Kinh nghiệm thực tế của các em du học sinh từ New Ocean chia sẻ dưới đây chắc chắn sẽ giúp các em chuẩn bị du học Hà lan có góc nhìn chi tiết và cụ thể hơn trước khi lên đường du học Hà Lan.
Bạn Đào Ngọc Trâm du học Hà lan trường Rotterdam UAS chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị hành lý, đi lại và mua sắm khi mới sang Hà Lan sẽ rất bổ ích các bạn nhé!
HÀNH LÝ NÊN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ ?
- Ngoài tiền mặt, nên chuẩn bị 1 thẻ visa hoặc master vì khi sang chưa có thẻ ngân hàng ngay, tại Hà Lan việc chi tiêu bằng thẻ là phổ biến. Tiền mặt thì đổi khoảng 1000 euro, đổi nhiều tiền lẻ, đừng đổi tờ tiền 100 euro vì bên này sẽ khó tiêu.
- Giấy tờ tùy thân thì cần mang Giấy khai sinh đóng dấu lãnh sự quán là quan trọng nhất để đăng kí tạm trú tại city hall. Còn các giấy tờ học tập thì tùy từng trường yêu cầu thì trường gửi mail, chủ yếu sử dụng bản công chứng.
- Thuốc: đặc biệt kháng sinh, dị ứng, thuốc tiêu chảy, thuốc đau đầu (vì bình thường bên này một số thuốc như kháng sinh, dị ứng,… này bán phải có đơn bác sĩ, đi khám phải đăng kí bác sĩ và khá tốn kém, dù có bảo hiểm thì đôi khi họ cũng viện nhiều lí do để không phải thanh toán). Chú ý không mang nhiều thuốc quá có thể rắc rối khi qua hải quan.
- Quần áo không nên mang quá nhiều, chủ yếu đồ giữ nhiệt, chống mưa gió, vì thời tiết Hà lan mưa nhiều, nên có 1 cái áo mưa nhỏ, không cần mang ô vì ô Việt Nam không chịu được gió Hà lan.
- Một số đồ dùng cho ngày đầu tiên khi chưa đi siêu thị: bộ dầu gội sữa tắm nhỏ, bàn chải, kem đánh răng nhỏ, 1 khăn tắm nhỏ.
- Thiết bị điện: Ổ cắm chia điện, Nồi cơm điện, Router wifi nếu ở kí túc; máy tính xách tay nhớ mang máy mới, cài đặt sẵn đầy đủ tại Việt Nam vì sang đó đồ mới đắt hơn so với Việt Nam mà sửa chữa thì rất mắc.
- Đồ nấu nướng thì mang thêm 1 cái chảo nhỏ, bát, đũa, đĩa, thìa nhưng mang tối thiểu thôi. Mang thêm ít đồ ăn vặt, nên chuẩn bị một ít đồ ăn cho những ngày đầu tiên nếu chưa đi mua được đồ ăn (ruốc, muối vừng, gạo, mỳ gói, lương khô) ở Việt
- Hãy nhớ cắt tóc và làm tóc trước tại Việt Nam vì bên này rất mắc đấy.
ĐI LẠI NHƯ NÀO CHO TIẾT KIỆM CHI PHÍ ?
Trường hợp 1: Trường cử người đưa đón, không mất chi phí đi lại, và có người hướng dẫn, đưa key.
Trường hợp 2: Tự đi
- Đến sân bay Amsterdam, đi theo biểu tượng hướng dẫn, ra điểm đó có 2 lựa chọn mua vé tàu, mua ở bốt bán vé (dùng master card, hoặc tiền mặt), hoặc mua vé tại điểm bán vé sân bay (tiền mặt),
- Tàu có 2 lựa chọn:
+ intercity (tàu chậm): thời gian đi 51 phút thì giá vé khoảng 12,5 euro (chuyến ghi Rotterdam. C).
+ intercity direct (tàu nhanh): thời gian đi 30 phút giá vé khoảng 14,5 euro (chuyến ghi Rotterdam. C). - Mua vé, nhìn bảng biểu giờ tàu, platform, tại từng platform sẽ báo chuyến tàu, giờ, địa điểm đến. Trước khi lên tàu quẹt vé tại trụ đứng có biểu tượng OV chip cart. Đến Rotterdam đi về hướng biểu tượng xe điện, bus, taxi, quẹt vé để ra cửa an ninh. Bên trái cửa an ninh có phòng service lớn, vào mua thẻ OV chip cart xanh da trời (7.5 euro), bảo nhân viên load thẻ để có tiền trong thẻ (số tiền tùy chọn), trong Ga có internet, tra địa điểm ở từ Rottedam central station, kiểm tra số xe điện, địa điểm xe điện đi đến, vì trên đầu xe điện sẽ ghi hướng đi địa điểm cuối cùng (chỗ bắt xe điện nằm bên trái cửa station).
TUẦN ĐẦU TIÊN PHẢI LÀM NHỮNG GÌ ?
-
- Việc đăng kí tạm trú thì thông thường trong tuần Introduction tại trường thì trường sẽ tổ chức cho 1 buổi lên City hall, và lên IND (cơ quan nhập cảnh) để lấy resident permit (thẻ cứ trú).
- Làm tài khoản ngân hàng tại các chi nhánh ING bank (phổ biến nhất), ngoài ra có ANB, Rabo bank.
- Mua sim thẻ 3G điện thoại, phổ biến nhất là của lebara (có thể mua ngay tại sân bay), dùng 3G sẽ sử dụng được Google Map.
- Mua nhu yếu phẩm, đồ ăn, gạo thì có 2 lựa chọn về siêu thị phổ biến và chất lượng tốt nhất, Albert Heijn –AH (chuỗi siêu thị phổ biến nhất), Aldi (giá rẻ nhất và chất lượng tốt). Ngoài ra có Dirk, Jumbo (nhưng chất lượng không bằng). Các siêu thị đồ Á tại Rotterdam: Amazing Oriental, Wah nam hong thì có mì tôm, các gia vị châu á (nước mắm, mắm tôm, miến, bún, măng chua)…
- Hóa mỹ phẩm: sữa tắm, dầu gội.. Albert Heijn, Kruidvat
- Mua chăn, gối, đồ bếp, bát, khăn tắm: siêu thị Hema, Action (action thì giá rẻ hơn).
- Mua các đồ điện: máy sấy, bình đun nước nóng… Media Markt (giữ lại hóa đơn để bảo hành vì ở Hà Lan chế độ bảo hành 2 năm, khi mang đồ hỏng ra sẽ thường được đổi mới hoàn toàn, hoặc hoàn tiền).
- Làm quen hệ thống đi lại: metro, xe điện, bus, train (em ở Rotterdam chủ yếu đi lại bằng xe điện và metro), tại các điểm metro hoặc ga tàu có thể nạp tiền vào thẻ OV chip cart, nạp bằng thẻ ngân hàng.
VÀI LỜI KHUYÊN
- Nên làm quen với nhiều bạn Việt Nam và cả quốc tế. Các bạn Việt Nam sẽ giúp mình nhiều trong cuộc sống và có thể cả học tập, các bạn quốc tế sẽ chủ yếu học được cách làm việc của họ, suy nghĩ của họ.
- Hỏi thật nhiều vì người Hà Lan sử dụng tiếng Anh rất tốt, nên có thể hỏi họ khi có thắc mắc hoặc không biết, họ sẽ chỉ dẫn nhiệt tình.
- Nên tìm và tham gia vào Group Facebook hội sinh viên của trường bên đó, mọi người ở đây sẽ giúp bạn rất nhiệt tình.
New Ocean xin cảm ơn chia sẻ của bạn Đào Ngọc Trâm, chúc bạn học tốt và thành công trong cuộc sống !