Điểm số luôn là “tâm điểm” trong chuyện học hành của sinh viên. Tuy nhiên cách thức cho điểm ở mỗi quốc gia lại khác nhau từ đó dẫn tới những câu chuyện điểm số khác nhau của sinh viên. Vậy các bạn sinh viên Việt Nam khi du học Hà Lan nói gì về vấn đề điểm số ở nơi này? Chúng ta cùng nghe một số chia sẻ sau đây nhé.
♦ Câu chuyện về đỗ và trượt
- Cũng như bất kể theo học ở đâu chuyện điểm số của các bạn luôn gắn với vấn đề đỗ và trượt. Đôi khi chỉ vì một thuật ngữ lạ trong phần điểm số của giáo viên cũng khiến bạn lo lắng cho “số phận” của mình và đó cũng là câu chuyện của bạn Dư Nguyễn Hoàng Anh, sinh viên theo học chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật máy tính tại trường Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan. Chẳng là có lần Hoàng Anh làm bài tập và nhận được kết quả đánh giá của giáo viên là “voldoende” khiến cô vô cùng lo lắng bởi lẽ bình thường chỉ có Pass và Fail giờ lại xuất hiện “trạng thái” này là sao? Cô hoang mang đi hỏi các bạn trong lớp thì lại được bạn bè trêu là Fail rồi nên vô cùng lo lắng. Về nhà Hoàng Anh “nhờ” tới Google Translate nhưng cũng chẳng cho ra kết quả rõ ràng. Sau này cô mới vỡ lẽ ra rằng “voldoende” có nghĩa là “Đủ điểm/ Được thông qua” và thở phào nhẹ nhõm.
♦ Điểm số của Hà Lan liệu có cứng nhắc?
- Cũng một câu chuyện khác về việc đỗ và trượt nhưng lại liên quan tới vấn đề linh hoạt trong việc cho điểm. Ngô Quốc Định một sinh viên Việt Nam tới Hà Lan học tập tại trường The Hague University of Applied Science theo chương trình trao đổi từ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng so với cách cho điểm tại “Thổ” thì hệ thống điểm tại Hà Lan có phần cứng nhắc. Chẳng là có lần Định bị 5,4 điểm môn Change Management đồng nghĩa với việc bị trượt môn đó bởi ở Hà Lan phải đạt 5,5 trở lên mới qua môn học và mỗi môn học chỉ có duy nhất một lần kiểm tra cuối kỳ để đánh giá mà thôi. Trong khi đó khi còn học ở Thổ, Định quen với thang điểm 100 mà đôi khi còn được tận 110 hay 120 nếu thầy cô muốn “giúp đỡ” học sinh một chút trong những bài kiểm tra cực kỳ khó không những vậy mà còn có nhiều bài kiểm tra khác nhau để giúp sinh viên được cộng vào điểm tổng kết.
- Không phải vì bị Fail mà Định có thành kiến với thang điểm của Hà Lan, Định cũng khẳng định rằng thang điểm 100 sẽ giúp đánh giá sinh viên đúng hơn nhưng với thang điểm 10 sẽ buộc sinh viên phải cố gắng nhiều hơn nữa trong kỳ thi của mình.
♦ Làm sao để đạt điểm cao khi du học Hà Lan?
- Theo kinh nghiệm du học của bạn Hải Hà, một du học sinh chương trình Thạc sĩ ngành Kế toán tại The Hague University of Applied Science cho từng đạt tới 9.1 trong quá trình học tập cho rằng, cũng không phải là quá khó để đạt điểm cao khi du học Hà Lan. Nếu bạn chăm chỉ đọc tài liệu, hiểu bản chất vấn đề kết hợp với việc áp dụng thực tiễn thay vì chỉ lý thuyết xuông thì chắc chắn bạn sẽ được đánh giá điểm cao hơn.
- Như vậy có thể thấy câu chuyện điểm số khi du học Hà Lan của sinh viên Việt chúng ta cũng khá đa dạng và lý thú đó chứ.
———————-
♦ Một số thông tin cần biết về hệ thống điểm số tại Hà Lan:
- Tại các trường phổ thông, đại học và các bậc học cao hơn người ta sử dụng hệ thống điểm 10 để đánh giá.
- Điểm 6 hoặc đôi khi là 5,5 là điểm thấp nhất để học sinh/ sinh viên được “thông qua” môn học. Điểm 10 là điểm cao nhất trong thang điểm.
- Ý nghĩa điểm số tại Hà Lan:
Điểm 10: Nổi bật
Điểm 9: Rất tốt
Điểm 8: Tốt
Điểm 7: Trên mức hài lòng
Điểm 6: Hài lòng
Điểm 5: Gần như hài lòng
Điểm 4: Không hài lòng
Điểm 3: Rất không hài lòng
Điểm 2: Kém
Điểm 1: Rất kém
♦ Học sinh/ Sinh viên sẽ không bao giờ được chấp nhận nếu nhận điểm từ 1 đến 3 và việc đạt điểm 9 hay 10 tại Hà Lan thì thường không nhiều.